Chú ý những dấu hiệu báo động về thể chất. Bạn cần trung thực với mình khi phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo rối loạn ăn uống. Chứng bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đừng xem thường tính nghiêm trọng của chứng rối loạn ăn uống và đừng đánh giá thấp khả năng tự điều trị. Một vài dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý bao gồm:
• Nhẹ cân (nhẹ hơn 85% so với tiêu chuẩn chấp nhận được cho độ tuổi và chiều cao của bạn).
• Sức khỏe kém – bạn nhận thấy mình dễ bị bầm tím, không có năng lượng, da xanh tái, tóc xỉn màu và khô.
• Chóng mặt, thường cảm thấy lạnh hơn những người khác (lưu thông máu kém), khô mắt, sưng lưỡi, chảy máu lợi và cơ thể giữ nhiều nước.
• Phụ nữ mất ba chu kỳ kinh nguyệt hoặc hơn.
• Người mắc chứng ăn ói còn có thêm các biểu hiện như dấu răng in trên ngón tay, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và sưng khớp.
Lưu ý các dấu hiệu về hành vi của chứng rối loạn ăn uống. Ngoài các thay đổi thể chất tác động lên cơ thể, rối loạn ăn uống còn tác động lên hành vi và cảm xúc. Các dấu hiệu này bao gồm:
• Nếu có ai đó nói rằng bạn thiếu cân, bạn không chịu tin, thậm chí còn cãi lại; có thể bạn không có khả năng suy nghĩ nghiêm túc về ý kiến cho rằng bạn thiếu cân.
• Bạn thường mặc quần áo rộng thùng thình để cố gắng che giấu tình trạng sụt cân nhiều hoặc đột ngột.
• Bạn luôn kiếm cớ để không ngồi vào bàn ăn hoặc tìm cách để ăn thật ít, giấu thức ăn hoặc sau đó vứt bỏ thức ăn.
• Bạn bị ám ảnh với chế độ ăn kiêng, luôn nói về việc kiêng ăn và tìm cách ăn ít hơn.
• Bạn kinh hãi với tình trạng “béo” lên; bạn hà khắc với bản thân về hình thể và cân nặng.
• Bạn tuân theo chế độ tập luyện năng nhọc và kiệt sức, có thể coi là quá sức.
• Bạn tránh các mối quan hệ hoặc ra ngoài giao lưu với mọi người.
Trao đổi với bác sĩ chuyên trị về rối loạn ăn uống. Một chuyên gia được đào tạo có thể giúp bạn vượt qua những suy nghĩ và cảm giác thúc đẩy bạn kiêng ăn thái quá hoặc ăn vô độ. Nếu không thể nói với ai vì xấu hổ, bạn cần chắc chắn rằng bác sĩ sẽ không khiến bạn cảm thấy xấu hổ về mình. Các bác sĩ hết lòng vì nghề nghiệp của họ để giúp bệnh nhân vượt qua chứng rối loạn ăn uống. Họ biết bạn đang trải qua điều gì, họ hiểu về những nguyên nhân tiềm ẩn, và quan trọng hơn, họ có thể giúp bạn vượt qua tình trạng này.
• Phương pháp điều trị tốt nhất để kiểm soát rối loạn ăn uống là hình thức trị liệu hoặc tư vấn tâm lý kết hợp với việc giám sát chặt chẽ về các nhu cầu dinh dưỡng và thuốc.
• Khi tiếp nhận điều trị, bạn có thể trông đợi:
• Được lắng nghe với sự tôn trọng.
• Có cơ hội kể toàn bộ câu chuyện của bạn và đề nghị được giúp đỡ cụ thể.
• Thoát khỏi các áp lực mà gia đình và bạn bè có thể gây ra cho bạn. Bác sĩ trị liệu có thể đóng vai trò là người trung gian và là người tư vấn cho họ, hoặc ít nhất cũng dạy cho bạn các chiến thuật làm sao để vượt qua các xung đột trong gia đình trong suốt quá trình chữa bệnh.
• Khi được đối xử như một người có giá trị và yên tâm về điều đó, với những biện pháp thích hợp và đúng chỗ, bạn có thể khỏe trở lại.
Xác định nguyên nhân tại sao bạn lại phát triển những thói quen ăn uống rối loạn. Bạn có thể giúp cho quá trình điều trị bằng cách tự khám phá ra nguyên nhân khiến bạn cảm thấy phải liên tục giảm cân và xem thường cơ thể mình. Một số biểu hiện có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình thói quen ăn uống của bạn dần dần biến thành hình thức không lành mạnh để đối phó với những điều làm tổn hại bạn như xung đột gia đình, thiếu thốn tình cảm hoặc không bao giờ có cảm giác thoải mái.
• Có lĩnh vực nào trong cuộc sống mà bạn cảm thấy vượt khỏi tầm kiểm soát của mình? Có những thay đổi không mong muốn nào trong cuộc sống xảy ra gần đây (ly hôn, chuyển đến một thành phố mới) nhưng bạn không thể kiểm soát?
• Bạn có từng bị lạm dụng thể chất, tình cảm hoặc tình dục?
• Gia đình bạn có những tiêu chuẩn cứng nhắc hoặc cầu toàn? Gia đình bạn bảo vệ bạn quá mức, kiểm soát và không tôn trọng ranh giới?
• Cha mẹ bạn không quan tâm hoặc tách khỏi cuộc sống của bạn?
• Bạn có so sánh bản thân với người khác? Truyền thông là thủ phạm tồi tệ nhất trong vấn đề này, nhưng bạn bè của bạn, những người nổi tiếng và những người bạn ngưỡng mộ cũng có thể là nguồn cho bạn so sánh.
• Bạn có ăn thực phẩm không lành mạnh hoặc ăn nhiều hơn khi xúc động? Nếu có, việc này có thể trở thành thói quen vô thức chiếm chỗ của những hoạt động an ủi thích hợp hơn như thách thức các lời độc thoại tiêu cực hay học cách tự khen ngợi mình vì những điều tốt đẹp làm được.
• Bạn có nghĩ rằng một thân hình mảnh mai hơn sẽ cho phép bạn giỏi chơi thể thao hơn? Mặc dù một số môn thể thao như bơi hoặc thể dục dụng cụ có thể ưu ái những cơ thể nhỏ hơn, mềm dẻo hơn (thích hợp với giới nữ), bạn cũng đừng quên rằng có nhiều yếu tố khác quyết định thành công trong bất cứ môn thể thao nào. Không môn nào xứng đáng để bạn hy sinh sức khỏe vì nó.
Ghi nhật ký ăn uống. Nhật ký ăn uống có hai mục đích. Mục đích thứ nhất cũng là mục đích thực tiễn là thiết lập kiểu thức ăn uống, đồng thời giúp bạn và bác sĩ theo dõi xem bạn đã ăn loại thực phẩm nào, khi nào và như thế nào. Mục đích thứ hai có tính trừu tượng hơn là viết ra những suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc liên quan đến thói quen ăn uống mà bạn có. Và cuối cùng, đó là nơi mà bạn có thể viết ra những nỗi sợ hãi (để bạn có thể đối mặt với chúng) và những ước mơ của bạn (để bạn có thể bắt đầu hoạch định mục tiêu và vươn tới). Một số điểm cần xem xét trong nhật ký ăn uống của bạn bao gồm:
• Tự hỏi mình về điều mà bạn có thể đang trải qua. Bạn có so sánh mình với các người mẫu trong tạp chí không? Bạn có chịu nhiều áp lực không? (áp lực ở trường học, công việc, rắc rối trong gia đình hay bạn bè).
• Viết về việc bạn đã phát triển những trình tự nào xung quanh việc ăn uống và cảm giác của bạn.
• Ghi lại những cảm giác của bạn khi cố gắng chống chọi để kiểm soát kiểu ăn uống của mình.
• Nếu bạn đang dùng mánh khóe với mọi người để lừa gạt họ và che giấu hành vi của mình thì việc đó tác động như thế nào đến các mối quan hệ của bạn và sự gần gũi với những người khác? Phân tích vấn đề này trong nhật ký ăn uống.
• Ghi lại những thành quả bạn đã đạt được trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn những gì bạn đã làm được. Bản liệt kê đó sẽ khiến bạn hài lòng hơn với bản thân khi nhận thấy những điều tốt đẹp cứ nhiều dần lên.
Tìm sự hỗ trợ từ một người bạn đáng tin cậy hoặc người thân trong gia đình.Kể với người đó về những gì bạn đang trải qua. Khả năng thông thường là họ sẽ lo lắng cho bạn và sẵn lòng giúp đỡ bạn vượt qua chứng rối loạn ăn uống, cho dù chỉ đơn giản là ở bên cạnh bạn.
• Học cách diễn đạt thành lời những cảm giác của bạn và an tâm với những cảm giác đó. Quyết đoán không phải là ngạo mạn và ích kỷ - mà là biểu lộ cho người khác biết rằng mình có giá trị và xứng đáng được tôn trọng.
• Một trong những yếu tố tiềm ẩn chủ yếu gây ra nhiều chứng rối loạn là thái độ không sẵn sàng hoặc không có khả năng lên tiếng diễn đạt trọn vẹn cảm giác và ý thích của mình. Một khi điều này trở thành thói quen, việc mất đi tính quyết đoán sẽ khiến bạn cảm thấy giảm giá trị và thiếu khả năng vượt qua xung đột và buồn phiền. Kết quả là chứng rối loạn trở thành một kiểu chống đỡ, “sai khiến” mọi việc (mặc dù theo cách rất lệch lạc và không lành mạnh).
Tìm các hình thức khác để xử lý cảm xúc. Suy nghĩ đến những hình thức giải tỏa tích cực để thư giãn và thả lỏng sau một ngày căng thẳng. Cho phép mình có những khoảnh khắc riêng tư chỉ tập trung vào bản thân. Một số gợi ý là nghe nhạc, đi bộ, ngắm hoàng hôn hoặc viết nhật ký. Những hoạt động như vậy là vô tận – chúng gây hứng thú và tạo cảm giác thư giãn cho bạn, giúp bạn đương đầu với những cảm xúc căng thẳng và có hại.
• Làm việc mà bạn mong muốn từ lâu nhưng chưa có thời gian hoặc chưa sắp xếp được. Ghi tên học một lớp nào đó mới mẻ mà bạn luôn muốn thử, mở một blog hoặc website, chọn học một nhạc cụ, đi nghỉ hoặc đọc một quyển sách.
• Một số liệu pháp thay thế có thể giúp điều trị rối loạn ăn uống. Nói chuyện với bác sĩ về khả năng thử các hoạt động như thiền, yoga, mát-xa hoặc châm cứu.
Tiếp nhận cơ chế đối phó lành mạnh để chống lại stress. Hãy dựa vào bản thân mình khi bạn cảm thấy mất kiểm soát. Gọi điện thoại cho ai đó và chú ý vào giọng nói của người đó, chạm vào những vật xung quanh mình như bàn làm việc, đồ chơi nhồi bông, tường nhà hoặc ôm một người cho bạn cảm giác an tâm. Hãy dựa vào các phương pháp cho phép bạn kết nối lại với hiện thực và không chìm đắm trong quá khứ hoặc hiện tại.
• Tìm giấc ngủ ngon và tạo thói quen ngủ lành mạnh. Giấc ngủ có thể giúp hồi phục cách nhìn nhận và năng lượng của bạn. Nếu ngủ không đủ giấc vì căng thẳng và lo âu, bạn hãy tìm cách cải thiện thói quen ngủ của mình.
Đối xử tốt với mình cũng như với những người khác. Bạn hãy nhìn những người xung quanh mà bạn nhận thấy họ đẹp với những nét riêng của họ, và tự đánh giá mình theo cách đó. Hãy nhìn vào vẻ đẹp bên trong bạn thay vì chú ý đến những khiếm khuyết. Ngừng thái độ cay nghiệt với ngoại hình của mình – mỗi hình dáng cơ thể con người đều là một phép màu, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đều được thổi vào tính liên tục của thời gian, và bạn xứng đáng được hạnh phúc tại đây, ngay lúc này.
Gạt chiếc cân sang một bên. Bước lên chiếc cân mỗi ngày là một việc không ai nên làm dù có rối loạn ăn uống hay không. Bởi vì làm như vậy là bạn đang vẽ lên một đồ thị dao động phi thực tế về trọng lượng của cá nhân và đặt ra tiêu chuẩn cho mình với sự ám ảnh về những con số thay vì tập trung vào tổng thể. Giảm dần dần những lần bước lên cân cho đến khi bạn chỉ cân một hoặc hai lần một tháng.
• Lấy quần áo để làm thước đo thay vì dùng cân. Chọn một bộ đồ trong mức cân nặng lành mạnh mà bạn thích nhất và dùng như thước đo cho một ngoại hình ưa nhìn và cân nặng thích hợp.
Thực hiện từng bước nhỏ. Bạn hãy trân trọng từng thay đổi nhỏ hướng tới một con người khỏe mạnh hơn và coi đó là một bước tiến lớn trong quá trình hồi phục. Dần dần tăng khẩu phần ăn và giảm số lần tập thể dục, v.v… Việc cố gắng ngừng đột ngột không chỉ gây khó khăn hơn cho bạn về mặt cảm xúc mà còn có thể khiến cơ thể bạn bị sốc và gây ra những vấn đề khác về sức khỏe. Cần nhắc lại là việc này cần thực hiện dưới sự giám sát chuyên môn, như chuyên gia điều trị rối loạn ăn uống.
• Nếu bị sụt cân một cách nghiêm trọng thì bạn không thể thực hiện từng bước nhỏ. Với trường hợp này thì bạn cần nằm viện và điều trị với chế độ dinh dưỡng đặc biệt để đảm bảo cơ thể nhận được các dưỡng chất thiết yếu.
Khám, tư vấn miễn phí các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượu, nghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, mệt mỏi mạn tính, đau đầu, đau lưng, đau mỏi vai gáy, rối loạn tiền đình, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá, thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.