Rối loạn lo âu lan tỏa được xếp vào nhóm các rối loạn liên quan đến stress với đặc tính là những mối lo lắng dai dẳng lan tỏa, tản mạn, không khu trú vào một sự kiện hay một hoàn cảnh đặc biệt nào ở xung quanh. Đúng với tên gọi của bệnh, triệu chứng lo âu mang tính chất mở rộng và không tồn tại bất cứ nguyên nhân đặc biệt nào, người bệnh lo lắng với tất cả mọi sự việc và luôn nghĩ đến những mặt tiêu cực của vấn đề. Người bệnh cảm thấy cuộc sống này đầy rẫy cạm bẫy và luôn rình rập các mối nguy hiểm chính vì điều đó mà người bệnh luôn chịu áp lực từ chứng bệnh gây nên. Theo các số liệu thống kê có khoảng 7% dân số mắc chứng bệnh này ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, và ảnh hưởng của nó đến nữ giới gấp đôi nam giới. Trong nhóm người đi khám bệnh tâm lý, số bệnh nhân mắc rối loạn lo âu lan tỏa chiếm tỷ lệ vượt trội, chiếm khoảng 25%.
Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
- Sợ hãi: Lo lắng kéo dài tối thiểu 6 tháng về các sự kiện hay các hoạt động (như công việc hay học tập). Sự lo âu, sợ hãi là biểu hiện chính, chủ yếu, nguyên phát dẫn đến phản ứng sợ sệt quá mức.
- Khó khăn trong kiểm soát lo lắng. Căng thẳng vận động (bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau căng đầu, run chân tay, không có khả năng thư giãn).
- Hoạt động quá mức thần kinh thực vật (đầu óc trống rỗng, ra mồ hôi, mạch nhanh, thở gấp, khó chịu vùng thượng vị, chóng mặt…).
- Dễ bị mệt, khó tập trung hay đầu óc trống rỗng, căn cơ, rối loạn giấc ngủ
Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa như thế nào?
Để điều trị chứng rối loạn lo âu lan tỏa cần kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và phương pháp tâm lý, từ đó giúp bệnh nhân giải quyết các lệch lạc về nhận thức nhằm cải thiện triệu chứng cơ thể, tạo sự thoải mái cho người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy có tới 75% người mắc chứng bệnh này được điều trị hiệu quả bởi liệu pháp hành vi nhận thức. Thời gian điều trị thường phải kéo dài từ 6-12 tháng. Có khoảng 25% bệnh nhân tái phát sau tháng đầu ngưng điều trị, 50-60% bệnh nhân tái phát trong năm tiếp theo.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một hình thức điều trị tâm lý đã được chứng minh là có hiệu quả đối với rất nhiều các vấn đề bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội các vấn đề về sử dụng rượu và ma túy, các vấn đề về hôn nhân, rối loạn ăn uống và bệnh tâm thần nặng,.. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng CBT dẫn đến cải thiện đáng kể hoạt động và chất lượng cuộc sống. CBT đã được chứng minh là có hiệu quả tương đương hoặc hiệu quả hơn các hình thức trị liệu tâm lý hoặc điều trị tâm thần bằng thuốc khác.
- Kiểm soát lo âu và giảm stress:
+ Giải thích hợp lý về các vấn đề cơ thể và triệu chứng cơ thể của bệnh, giúp người bệnh nhìn nhận rõ bản chất của vấn đề ở từng sự việc gây lo lắng. Từ đó họ sẽ bình tĩnh hơn và có thêm tinh thần, biết cách điều chỉnh cảm xúc suy nghĩ của bản thân để ứng phó với bệnh tật.
+ Tập đối mặt với các tình huống gây lo lắng,căng thẳng: Người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa có thói quen trốn tránh những việc khiến mình lo lắng, trong khi đó, hành vi trốn tránh này lại càng làm tăng thêm cảm giác lo âu của họ. Những việc vô cùng đơn giản lại bị họ coi là rất khó hoàn thành. Vì vậy, hãy để họ thử làm những việc mà họ muốn trốn tránh, giúp họ đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi và lo âu trong mình, chỉ có vậy mới ngăn chặn được cảm giác lo âu kéo dài.
+ Tránh lạm dụng rượu, thuốc gây ngủ.
Rượu là một thuốc an thần tự nhiên. Uống một ly rượu khi căng thẳng có thể làm bạn bình tĩnh lúc đầu. Tuy nhiên, sau đó sự lo lắng có thể quay trở lại. Nếu dựa vào rượu là cách giảm lo âu thay vì điều trị tận gốc vấn đề, bạn có thể bị nghiện rượu.
Những người hút thuốc thường có xu hướng hút thuốc trong thời gian căng thẳng. Tuy nhiên, giống như uống rượu, hút thuốc lá khi bạn bị căng thẳng chỉ là cách khắc phục nhanh, tạm thời. Nhưng sau đó, nó có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng theo thời gian. Các nghiên cứu đã chỉ ra nếu bạn bắt đầu hút thuốc càng sớm trong đời, nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu càng cao. Nghiên cứu cũng cho thấy nicotine và các hóa chất khác trong khói thuốc làm thay đổi con đường trong não liên quan đến lo lắng.
Nếu bạn có chứng lo âu kinh niên, caffeine không phải là một người bạn tốt. Caffeine có thể gây căng thẳng và hốt hoảng, điều này không tốt nếu bạn lo lắng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn lo âu. Nó cũng có thể gây ra các hoảng loạn ở những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ. Ở một số người, loại bỏ caffeine có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng lo âu
+ Ngủ đủ giấc: Mất ngủ là một triệu chứng phổ biến của sự lo lắng. Hãy ưu tiên cho giấc ngủ bằng cách: Không đọc hay xem tivi trên giường. Không sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính trên giường. Tránh chất caffeine, bữa ăn lớn và nicotine trước khi đi ngủ. Giữ cho căn phòng của bạn tối và mát mẻ. Viết ra những lo lắng của bạn trước khi đi ngủ sẽ lấy nó ra khỏi đầu và có thể làm cho nó bớt nản chí hơn. Duy trì đúng giờ đi ngủ mỗi đêm.
- Luyện tập thả lỏng: Nỗi lo của những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa đến từ mọi phương diện trong cuộc sống làm cho họ luôn áp lực, căng thẳng, khiến cơ thể của họ luôn ở trong tình trạng gồng cứng mà không thể thả lỏng. Do đó, việc cổ vũ họ luyện tập cách thả lỏng và giải tỏa áp lực sẽ giúp họ xua tan cảm giác lo âu.
+ Tập thể dục được xem là liệu pháp hỗ trợ hiệu quả. Các hoạt động thể chất sẽ giúp kích thích não bộ sản sinh hormone endorphin cải thiện tâm trạng, đẩy lùi cảm giác lo lắng và căng thẳng quá mức. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp nâng cao sức khỏe thể chất, qua đó hạn chế ảnh hưởng do các bệnh tâm lý gây ra.
+ Ngồi thiền: Phương pháp thiền đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát stress, rối loạn lo âu và trầm cảm. Thiền định giúp tâm tĩnh, nhịp thở hài hoà và điều hoà các cơ quan nội tạng. Sau khi thiền, những cảm xúc tiêu cực sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, biện pháp này còn mang lại lợi ích tuyệt vời đối với hệ tim mạch.
- Liệu pháp mùi hương: Người bị rối loạn lo âu lan tỏa có thể áp dụng liệu pháp mùi hương để cải thiện tình trạng bệnh lý của mình. Mùi hương kích thích khứu giác, từ đó tác động đến não bộ tạo ra cảm giác thư thái và thoải mái. Sử dụng tinh dầu còn giúp tạo nên không gian lý tưởng để nghỉ ngơi, cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
- Một số biện pháp thư giãn khác: Một số cách để giảm tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa có thể kể đến như đọc sách, nghe nhạc, du lịch, vẽ tranh, chăm sóc cây cối, chơi đùa với thú cưng,…
Phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa
- Sắp xếp giữa công việc, học tập, thư giãn phù hợp và khoa;
- Tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày;
- Nên chia sẻ với người thân, bạn bè khi có các vấn đề căng thẳng stress, lo âu mất ngủ,... hay tìm gặp các chuyên gia tâm lý để trị liệu;
- Sử dụng các loại vitamin, khoáng chất;
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học.
Lo âu lan tỏa là rối loạn đáp ứng tốt với điều trị và thường ổn định sau một khoảng thời gian ngắn điều trị. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân của lo âu. Rối loạn lo âu lan tỏa có liên quan nhiều đến nhân cách lo âu và/hoặc stress nên tỉ lệ tái phát rất cao. Cần đề phòng và tránh các biến chứng do phát hiện muộn, điều trị không kịp thời bệnh nhân có thể có hành vi tự sát hoặc do biếu chứng của việc lạm dụng thuốc giải lo âu. Kiểm soát stress, rèn luyện nhân cách, giáo dục và phổ biến kiến thức để người dân hiểu về bệnh và các nguy cơ gây bệnh. Leo Buscaglia - diễn giả, tác giả, giáo sư tại Khoa Giáo dục đặc biệt thuộc trường Đại học Nam California - từng nói, “ Lo âu sẽ không hóa giải được nỗi thống khổ của ngày mai, nhưng nó có thể làm tiêu tan niềm vui của hôm nay”. Do vậy, đừng để nỗi lo về tương lai ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của bạn. Nếu có điều gì cần giải đáp, đừng ngần ngại, bạn hãy nhấc máy liên lạc để nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ có kinh nghiệm về sức khỏe tâm thần.
Trực tiếp tư vấn các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượu, nghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.