Điện thoại, viber, zalo

0988 079 038

slide 1 slide 2 slide 3 slide 4 slide 5 slide 6 slide 7
nhận tư vấn cai rượu/ma tuý từ xa
Tăng động giảm chú ý và thuốc điều trị

Điều trị tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em cần có các biện pháp can thiệp y tế, giáo dục, hành vi và tâm lý. Cách tiếp cận điều trị toàn diện này thường được gọi là "đa phương thức" và phương án điều trị phải được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu riêng của từng trẻ và gia đình. 

Vai trò của thuốc  

Thuốc không chữa khỏi nhưng có thể giúp giảm các triệu chứng ở trẻ em và người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, thuốc đi kèm với các tác dụng phụ và rủi ro - và không phải là lựa chọn duy nhất. Cần tìm hiểu về thuốc điều trị ADHD để có thể đưa ra quyết định sáng suốt khi sử dụng thuốc cho trẻ. 

Đối với hầu hết trẻ ADHD, thuốc là một phần không thể thiếu trong điều trị. Việc cân nhắc điều trị bằng thuốc cho ADHD trước tiên phải có một đánh giá cẩn thận, toàn diện để làm rõ chẩn đoán, xác định các vấn đề y tế, tâm lý hoặc học tập khác có thể có với trẻ bị ADHD.  

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị. Nếu cần sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cụ thể. Quá trình lựa chọn thuốc liên quan đến việc nhận biết các tác dụng phụ để có thể cân nhắc thỏa đáng nguy cơ và lợi ích. Các loại thuốc cải thiện hiệu quả triệu chứng cốt lõi của ADHD và trực tiếp ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh (các phân tử não tạo điều kiện truyền thông điệp từ một tế bào thần kinh sang một tế bào thần kinh khác).  

Các chất dẫn truyền thần kinh liên quan là dopamine và norepinephrine. Cả hai chất dẫn truyền thần kinh đóng một vai trò trong các triệu chứng của ADHD. Các bác sĩ sẽ dùng thử thuốc để tìm ra loại thuốc nào phù hợp nhất với từng trẻ và với liều lượng bao nhiêu. Thử nghiệm thường bắt đầu với liều thấp được tăng dần trong khoảng thời gian 3–7 ngày cho đến khi đạt được lợi ích lâm sàng.  

Những loại thuốc nào dùng để điều trị ADHD? 

Điều trị ADHD bằng thuốc để giảm các triệu chứng cốt lõi của ADHD là kém chú ý, tăng động và bốc đồng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã  phê duyệt một số loại thuốc điều trị ADHD bao gồm chất kích thích (methylphenidate và amphetamine) và chất không kích thích.  

Khi ADHD cùng tồn tại với các tình trạng khác như lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực, các loại thuốc khác có thể được kê đơn, như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần. 

Các hợp chất kích thích tâm thần là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất để kiểm soát các triệu chứng ADHD. Thuốc kích thích tâm thần lần đầu tiên được sử dụng cho trẻ em có các vấn đề về hành vi và học tập vào năm 1937. Mặc dù có tên gọi như vậy, những loại thuốc này không hoạt động bằng cách tăng kích thích mà giúp các mạng lưới tế bào thần kinh quan trọng trong não giao tiếp hiệu quả hơn với nhau. Khoảng 70–80 % trẻ ADHD phản ứng tích cực với các loại thuốc này. Trong một số trường hợp, loại thuốc đầu tiên được thử có thể không phải là loại phù hợp hoặc có thể cần dùng liều cao hơn. 

Hai chất kích thích được sử dụng phổ biến nhất là: Methylphenidate, Amphetamine. Tuy nhiên 2 loại thuốc này được quy định là thuốc nhóm II vì chúng dễ có khả năng bị lạm dụng. 

Theo dõi tác dụng của thuốc 

Không có một loại thuốc hoặc liều lượng nào phù hợp cho tất cả trẻ bị ADHD. Liều lượng và thời điểm dùng thuốc cụ thể phải được bác sĩ điều trị xác định cho từng cá nhân. Thử nghiệm thuốc thường được sử dụng để xác định liều lượng có lợi nhất.  

Việc dùng thuốc cần được theo dõi rất cẩn thận, đặc biệt là trong những tuần đầu điều trị, do đó có thể điều chỉnh liều lượng và thời gian cần thiết. Nếu lần dùng thuốc đầu tiên không hiệu quả hoặc tạo ra các tác dụng phụ khó chịu, bác sĩ kê đơn có thể sẽ điều chỉnh. Nếu các điều chỉnh không đủ để mang lại phản ứng tốt, có thể thử một lựa chọn thuốc khác. Hầu hết trẻ bị ADHD đáp ứng tốt với các loại thuốc thường dùng điều trị ADHD.  

Để các loại thuốc ADHD phát huy được lợi ích tối ưu đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ. Các bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ. 

Theo dõi hiệu quả của thuốc theo thời gian là quan trọng và có thể cần nỗ lực và kiên trì. Tuy nhiên, việc tinh chỉnh thời gian và liều lượng thuốc thường có thể cải thiện phản ứng lâm sàng liên quan đến thời gian. Điều chỉnh lâm sàng có thể bao gồm thêm các loại thuốc khác hoặc thêm hoặc thay đổi các can thiệp tâm lý, liệu pháp hành vi, nhận thức... 

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị ADHD 

Hầu hết các tác dụng phụ tức thì liên quan đến những loại thuốc ADHD là nhẹ và thường là ngắn hạn. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là giảm cảm giác thèm ăn và khó ngủ. Một số trẻ bị kích thích trở lại, tâm trạng tiêu cực trong một thời gian ngắn, mệt mỏi hoặc tăng hoạt động khi thuốc hết tác dụng. Những tác dụng phụ này thường được kiểm soát bằng cách thay đổi liều lượng.   

Đau đầu và đau bụng cũng có thể xảy ra nhưng sẽ giảm dần theo thời gian hoặc giảm liều nếu cần thiết. Một số trẻ có thể có ảnh hưởng nhẹ ban đầu đến chiều cao và tăng cân, nhưng chiều cao và cân nặng cuối cùng hiếm khi bị ảnh hưởng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng một số trẻ ADHD dậy thì muộn hơn các bạn cùng lứa tuổi. 

Đối với bất kỳ câu hỏi nào về các tác dụng phụ có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. 

Chế độ dinh dưỡng khi dùng thuốc 

Lựa chọn thực phẩm hàng ngày có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của bất kỳ loại thuốc nào. Nếu đang dùng thuốc kích thích, ăn nhiều chất béo có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, làm chậm quá trình hấp thu thuốc. Thay vì thông thường thuốc phát huy tác dụng trong vòng 20 đến 30 phút, thì có thể phải mất 1 đến 2 giờ. Vì vậy, cần tránh các món ăn giàu chất béo như trứng, pho mát… 

Tương tự, đồ uống giàu axit ascorbic / vitamin C hoặc axit citric (cam, bưởi và các loại đồ uống khác bổ sung vitamin C) có thể cản trở sự hấp thu thuốc. Axit citric phá vỡ thuốc trước khi nó có cơ hội được cơ thể hấp thụ. Do đó, nên tránh các loại đồ uống như vậy, cũng như các chất bổ sung vitamin tổng hợp và ngũ cốc giàu vitamin, 1 giờ trước và sau khi uống thuốc.  

Khi đang dùng thuốc kích thích cũng tránh các loại thuốc cảm / viêm xoang có chứa chất thông mũi; steroid và thuốc điều trị hen suyễn có chứa albuterol hoặc theophylline. 

 

Trực tiếp tư vấn các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượunghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.