Để có thể chung sống hoà bình với bệnh tâm thần phân liệt, chúng ta cần tìm cách (hoặc nhiều cách) điều trị có hiệu quả, kiểm soát cuộc sống của mình bằng cách tránh những tác nhân gây stress và tạo một hệ thống hỗ trợ cho mình
Tuân thủ việc uống thuốc. Việc bệnh nhân tâm thần phân liệt ngừng uống thuốc là tình trạng thường xảy ra. Chúng ta có thể dựa vào một số chiến thuật để cố gắng tuân thủ việc uống thuốc mỗi khi cảm thấy muốn ngừng uống thuốc:
• Tự nhắc mình rằng thuốc được dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt, không phải để chữa dứt bệnh. Vì vậy nếu muốn cảm thấy khỏe hơn, chúng ta cần phải tiếp tục uống thuốc.
• Tận dụng mọi nguồn hỗ trợ xã hội. Khi thấy khỏe, nên nói với bạn bè và gia đình để họ khích lệ chúng ta tiếp tục uống thuốc khi mỗi khi ta cảm thấy muốn ngừng.
• Chúng ta có thể ghi âm lời nhắn cho bản thân trong tương lai, nói rằng sẽ tiếp tục uống thuốc và lý do của uống thuốc (thuốc chỉ để điều trị chứ không chữa dứt bệnh) sau đó nhờ người nhà bật lên để nghe mỗi khi chúng ta muốn ngừng uống thuốc.
Cố gắng chấp nhận căn bệnh của mình. Việc chấp nhận tình trạng của mình có thể giúp cho việc phục hồi trở thành trải nghiệm dễ chịu hơn. Trái lại, nếu chúng ta phủ nhận bệnh, cho rằng mọi việc vẫn ổn, hoặc nghĩ rằng bệnh ẽ tự nhiên khỏi, có thể khiến bệnh trạng của mình diễn tiến xấu hơn. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu điều trị và công nhận 2 vấn đề:
• Đúng, ta mắc bệnh tâm thần phân liệt, chữa trị bệnh này là một thách thức.
• Đúng, ta có thể sống một cuộc sống bình thường, hạnh phúc.
• Việc chấp nhận bệnh trạng của mình là điều quan trọng để tìm cách điều trị, chuẩn bị tâm thế chiến đấu để có cuộc sống bình thường sẽ giúp bạn có cuộc sống như mong muốn.
Tự nhủ rằng có nhiều cách để có một cuộc sống bình thường. Cú sốc ban đầu khi được chẩn đoán bệnh có thể rất khó khăn cho người bệnh và gia đình của họ. Tuy nhiên chúng ta có thể sống cuộc sống như mọi người, dù phải mất một thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của mình và tìm ra phác đồ điều trị thích hợp.
• Bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp khác có thể ít gặp khó khăn trong các tương tác xã hội, giữ được việc làm, có gia đình, thậm chí còn có thể xuất sắc trong cuộc sống.
Tránh các tác nhân kích thích. Cơn bệnh thường xuất hiện khi bạn quá căng thẳng. Vì vậy, nếu chúng ta mắc bệnh tâm thần phân liệt thì điều quan trọng là tránh các yếu tố gây căng thẳng khiến cơn bệnh bộc phát. Có nhiều phương pháp đối phó với stress như:
• Các tác nhân gây stress khác nhau tùy từng người. Việc tiếp nhận trị liệu có thể giúp chúng ta xác định những yếu tố gây stress, bất kể đó là một người, một tình huống hoặc địa điểm cụ thể nào đó. Khi đã biết các tác nhân gây stress, hãy hết sức tránh khi có thể.
• Ví dụ, chúng ta có thể thực hành các phương pháp thư giãn như thiền hoặc hít thở sâu.
Tập thể dục thường xuyên. Việc tập luyện không những giúp cơ thể giảm stress mà còn tiết ra chất endophin có tác dụng tăng cảm giác hạnh phúc.
• Thử bật loại nhạc tạo sự hứng khởi trong khi tập.
Ngủ đủ giấc. Một đêm ngủ không ngon giấc có thể góp phần gây ra cảm giác căng thẳng và lo âu. Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm; tìm xem bạn ngủ bao nhiêu tiếng là đủ và cố gắng tuân theo.
• Nếu gặp rắc rối với giấc ngủ, có thể thử chuẩn bị phòng ngủ thật tối và yên tĩnh bằng cách ngăn chặn mọi âm thanh lọt vào phòng, thay đổi môi trường xung quanh, đeo băng che mắt hoặc nút tai khi ngủ. Tạo thành thông lệ hàng ngày và thực hiện mỗi đêm.
Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ăn những thức ăn không lành mạnh có thể gây ra cảm giác tiêu cực, và điều này làm tăng mức độ căng thẳng. Do đó, điều quan trọng là ăn đúng cách để chống stress.
• Ăn thịt nạc, các loại hạt, hoa quả và rau.
• Chế độ ăn uống lành mạnh còn bao gồm thực đơn cân bằng. Tránh ăn quá nhiều một loại thức ăn.
Thử dùng các phương pháp nhận thức. Mặc dù không thay thế được liệu pháp hoặc chuyên gia trị liệu, nhưng chúng ta cũng có thể dùng các phương pháp nhận thức để giảm nhẹ các triệu chứng.
• Ví dụ, chúng ta có thể dùng một phương pháp gọi là bình thường hóa. Với phương pháp này, ta sẽ coi những trải nghiệm loạn thần của mình như một phần trong cùng một thể liên tục bao gồm những trải nghiệm bình thường, đồng thời nhận thức rằng mọi người ai cũng có các trải nghiệm rất khác biệt với cuộc sống bình thường hàng ngày. Nhờ đó ta có thể bớt cô độc và mặc cảm, và điều này sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của ta.
• Để đối phó với những ảo giác âm thanh như nghe thấy tiếng nói, hãy thử tìm những bằng chứng chống lại nội dung của những lời nói đó. Ví dụ, nếu tiếng nói sai khiến ta làm điều xấu như trộm cắp chẳng hạn, hãy liệt kê ra những lý do cho thấy đó không phải là ý kiến tốt (có thể vướng vào rắc rối, đó là hành vi trái với đạo đức xã hội, gây thiệt hại cho người khác, hầu hết mọi người sẽ khuyên chúng ta đừng làm việc đó, vì thế đừng nghe theo tiếng nói lạc lõng này).
Thử đánh lạc hướng. Nếu đang trải qua ảo giác, chúng ta thử tự làm phân tâm bằng cách nào đó, ví dụ như nghe nhạc hoặc tạo hình nghệ thuật. Hãy cố gắng đắm mình hoàn toàn vào trải nghiệm mới để ngăn chặn các trải nghiệm không mong muốn.
Chống lại những suy nghĩ lệch lạc. Để đối phó với chứng lo âu xã hội có thể đi kèm với bệnh tâm thần phân liệt, cần cố gắng xác định và chống lại các ý nghĩ lệch lạc. Ví dụ, khi trong đầu có ý nghĩ như “mọi người trong phòng này đang nhìn mình”, hãy thử đặt nghi vấn cho nhận định đó. Nhìn xung quanh phòng để tìm bằng chứng: có thật là mọi người đang nhìn mình không? Tự hỏi bản thân xem ta có chú ý nhiều đến một người chỉ đi qua nơi công cộng không.
• Tự nhủ rằng một căn phòng đông đúc gồm nhiều người, do đó mọi người chỉ nhìn lướt qua tất cả và có lẽ không chỉ tập trung vào bạn.
Cố gắng giữ cho mình bận rộn. Khi đã kiểm soát được các triệu chứng bằng thuốc và các phương pháp trị liệu, chúng ta nên cố gắng bắt đầu lại cuộc sống bình thường và giữ cho mình bận rộn. Thời gian rảnh rỗi có thể dẫn đến những ý nghĩ gây stress và khiến cơn bệnh bộc phát. Chúng ta cố gắng bận rộn bằng những cách sau:
• Tập trung nỗ lực vào công việc.
• Sắp xếp thời gian cho gia đình và bạn bè.
• Tìm một sở thích mới.
• Giúp đỡ bạn bè hoặc làm công việc thiện nguyện.
Tránh uống quá nhiều thức uống có caffeine. Lượng caffeine tăng đột ngột có thể khiến các triệu chứng “tích cực” của bệnh tâm thần phân liệt xấu đi (tức là có thêm các biểu hiện không mong muốn như ảo tưởng hoặc ảo giác); cho dù nếu bình thường chúng ta vẫn uống nhiều caffeine, việc uống hay ngừng uống caffeine cũng không khiến các triệu chứng tốt hơn hay xấu đi. Điều quan trọng ở đây là tránh sự thay đổi lớn và đột ngột trong thói quen dùng caffeine. Theo khuyến cáo, một người không nên uống quá 400 mg caffeine một ngày. Tuy nhiên cần nhớ là tính hóa học trong cơ thể và tiền sử sử dụng caffeine của mỗi người là khác nhau, vì vậy ngưỡng dung nạp của chúng ta có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút.
Tránh thức uống chứa cồn. Việc uống thức uống chứa cồn dẫn đến kết quả điều trị kém hơn, gia tăng các triệu chứng, và tăng tỷ lệ tái nhập viện. Chúng ta sẽ cảm thấy khá hơn nếu kiêng uống rượu bia, càng tuyệt đối càng tốt.
Khám, tư vấn miễn phí các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượu, nghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, mệt mỏi mạn tính, đau đầu, đau lưng, đau mỏi vai gáy, rối loạn tiền đình, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá, thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.