Điện thoại, viber, zalo

0988 079 038

slide 1 slide 2 slide 3 slide 4 slide 5 slide 6 slide 7
nhận tư vấn cai rượu/ma tuý từ xa
Những dấu hiệu cảnh báo bạn mắc bệnh trầm cảm

Trầm cảm phổ biến trên toàn thế giới. Trầm cảm ở mức độ nặng có thể dẫn đến tự sát. Hơn 700.000 người chết vì tự tử mỗi năm, cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở lứa tuổi 15-29. Làm sao để nhận biết một người đang bị trầm cảm? Những dấu hiệu trầm cảm phổ biến là gì? Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ nếu những triệu chứng sau đây hiện diện trên 2 tuần:

1. Khí sắc buồn: Đây là biểu hiện tiêu biểu của chứng trầm cảm. Người mắc bệnh thường có khí sắc buồn trầm, nét mặt ủ rũ, buồn bã chán chường và bi quan.
Thường bệnh nhân trầm cảm sẽ không tỏ rõ cảm xúc chỉ có 1 nét mặt trầm buồn và tách biệt mình với mọi người, lảng tránh các nơi chỗ tập thể.

2. Mệt mỏi, lo âu, stress kéo dài: Người mắc chứng trầm cảm, cơ thể của họ dường như luôn ở trạng thái căng thẳng liên tục dẫn đến mệt mỏi lo âu, stress kéo dài. Chứng trầm cảm khiến cho người bệnh luôn than phiền rằng họ mệt mỏi cộng thêm việc rối loạn giấc ngủ khiến cho tình trạng mệt mỏi lo âu càng ngày càng trầm trọng hơn. Một số trường hợp sự mệt mỏi còn thể hiện bằng nói lắp, lười hoạt động, đi lại làm việc chậm chạp.

3. Những triệu chứng bất thường trên hệ tiêu hóa: Giữa não bộ và đường ruột tồn tại một mối liên kết chặt chẽ với nhau thông qua 400-600 triệu tế bào thần kinh. Chính vì vậy, khi bị lo âu, trầm cảm thì chức năng đường ruột có thể bị ảnh hưởng dẫn tới các triệu chứng như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn hoặc ăn nhiều không kiểm soát…Ngược lại, chức năng đường ruột không tốt có thể tác động xấu lên não bộ, gây ra rối loạn lo âu, trầm cảm. Các nghiên cứu chỉ ra hai bệnh lý này rất thường đi kèm với nhau. Có tới 50-90% bệnh nhân IBS (hội chứng ruột kích thích), 34% bệnh nhân loét đại tràng và 52% bệnh nhân khó tiêu chức năng bị mắc kèm ít nhất 1 rối loạn tâm thần như lo âu hoặc trầm cảm. Dựa trên những hiểu biết ngày càng rõ hơn về mối tương tác giữa não bộ và đường ruột mà hiện nay các nhà khoa học đã phát triển được phương pháp điều trị trầm cảm, lo âu bằng cách sử dụng những chủng probiotics (lợi khuẩn đường ruột) đặc biệt. 

4. Đau nhức không rõ nguyên nhân: Trầm cảm đôi khi có những biểu hiện rõ ràng về mặt thể chất. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dialogues in Clinical Neuroscience, 69% những người đáp ứng các tiêu chuẩn về chứng trầm cảm đã có những cơn đau nhức về mặt cơ thể (dù có kết quả bình thường về mặt sức khỏe cơ thể). Rối loạn tâm trạng có thể xuất hiện kèm với các triệu chứng khác như: đầy hơi, đau lưng, đau khớp, đau nhói vùng ngực, khó thở, ra nhiều mồ hôi,... Người trầm cảm thường có những suy nghĩ tiêu cực và họ tự nghĩ ra những cơn đau rồi khuếch đại chúng. Sẽ không có loại thuốc giảm đau nào có thể giải quyết cơn đau do trầm cảm. Chỉ khi được điều trị đúng nguyên nhân trầm cảm thì những triệu chứng đau mới biến mất.

5. Mất khả năng tập trung và ghi nhớ: Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc quên tên ai đó hay nhiệm vụ cần làm. Tuy nhiên, trầm cảm liên quan đến việc thường xuyên mất khả năng tập trung và làm giảm hiệu quả công việc. Nếu trước đây, người bệnh có trí nhớ rất tốt khả năng tập trung cao thì khi mắc trầm cảm người bệnh sẽ bắt đầu quên đi những điều cơ bản, tự dưng không thể nào nhớ được tên, số điện thoại của người nhà. Sự mất tập trung, khó ghi nhớ này sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của người bệnh. Nó là tiền đề của những hành vi hành động không kiểm soát được và bạn có thể mắc nhiều sai lầm hơn hoặc gặp khó khăn khi đưa ra quyết định.

6. Thay đổi về giấc ngủ: Một trong những triệu chứng chính của bệnh trầm cảm là rối loạn giấc ngủ. Một số người sẽ ngủ quá nhiều và một số quá ít. Khoảng ¾ người bị trầm cảm sẽ mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Người trầm cảm khó ngủ đầu giấc, khó vào giấc ngủ, thường tỉnh dậy nửa đêm…. Sự mệt mỏi, lo lắng, stress liên tục càng kéo theo khó ngủ, mất ngủ. Rồi khó ngủ mất ngủ lại khiến cho tâm trạng mệt mỏi càng trở nên trầm trọng hơn. Một số trường hợp còn gặp các vấn đề về giấc ngủ như ác mộng, mộng du. Rối loạn giấc ngủ là một trong số những biểu hiện sớm và phổ biến ở người trầm cảm.

7. Thay đổi cảm giác ăn uống: Một số người trở nên ăn nhiều hơn khi họ mắc trầm cảm. Những người khác nhìn chằm chằm vào một món ăn ngon mà hoàn toàn không thèm ăn hay hứng thú gì. Sự thay đổi đáng kể về cảm giác thèm ăn và cân nặng (hơn 5% trọng lượng cơ thể trong một tháng) có thể là dấu hiệu trầm cảm.

8. Khó chịu, kích động hoặc ủ rũ: Một dấu hiệu khác của sự trầm cảm là sự cáu kỉnh, kích động và ủ rũ tăng cao. Những điều nhỏ nhặt cũng khiến người bệnh khó chịu - chẳng hạn như tiếng ồn ào, hoặc chờ đợi lâu (dù trước đây bạn không cảm thấy như vậy trong tình huống tương tự). Đôi khi đi kèm sự tức giận là suy nghĩ tự làm hại bản thân hoặc mong muốn làm hại người khác. Người mắc chứng trầm cảm thường có xu hướng bạo lực hơn. Họ trở nên dễ cáu giận, nổi nóng khó chịu một cách khó hiểu không rõ nguyên nhân. Chẳng hạn như trong bữa cơm gia đình, mọi người đang thảo luận với nhau vui vẻ nhưng bản thân người bị trầm cảm có thể cảm thấy rất khó chịu, bực bội trong người thậm chí là bỏ ăn, cáu gắt,...

9. Giảm hứng thú với sở thích của mình và tình dục: Trước đây có thể bạn rất thích nấu ăn nhưng bỗng dưng bạn không còn hứng thú với sở thích này. Người trầm cảm có thể mất hứng thú với những thứ trước đây họ vô cùng yêu thích, chính điều này khiến  họ dễ cảm thấy cô độc, chỉ muốn thu mình lại, khiến trầm cảm càng thêm trầm trọng. Ngoài ra giảm hứng thú với tình dục cũng là một biểu hiện của người trầm cảm. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng có tới 75% bệnh nhân trầm cảm giảm hoặc mất hứng thú trong tình dục, đây được xem là một trong những dấu hiệu sớm của người bị bệnh.

10. Tự ti tuyệt vọng với bản thân: Nội tâm của bệnh nhân trầm cảm luôn trong tình trạng phê bình, tự phê bình một cách ghê gớm thậm chí chúng hủy hoại tâm trạng của bệnh nhân. Việc đấu tranh tư tưởng, tự trách và hạ thấp bản thân là dấu hiệu cảnh báo trầm cảm nặng. Người bệnh thường tự trách bản thân với những câu hỏi ngỏ như: mình thật vô tích sự, lẽ ra mình phải làm thế này, mình thật chẳng ra sao,… lối suy nghĩ ngày đã tự làm tổn thương người bệnh khiến người bệnh càng thêm buồn rầu chán nản và dẫn đến tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng đeo bán người bệnh khiến họ cảm thấy tuyệt vọng với bản thân, không còn mong muốn tìm cách điều trị trầm cảm.

11. Có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát: Trầm cảm có thể được gọi là căn bệnh nguy hiểm chết người. Suy nghĩ tiêu cực muốn chấm dứt cuộc đời hoặc lên những kế hoạch tự sát rất hay xuất hiện ở người trầm cảm. Nếu chú ý, chúng ta có thể nhận thấy các dấu hiệu ở người trầm cảm muốn tự sát như có kế hoạch tự sát (chuẩn bị thuốc ngủ, dây thừng, xăng, thường nhìn vô định từ một vị trí cao…), tự gây tổn thương cho mình (cào, tự cắt vào da thịt…), hoặc đã từng tự tử trước đây.  Khi có những dấu hiệu này thì đây là một tình trạng báo động khẩn cấp, người bệnh cần phải được hỗ trợ, giám sát ngay lập tức, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Khi gặp các cơn đau, mệt mỏi mạn tính mà không tìm được nguyên nhân và hướng giải quyết, hãy đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần vì đó có thể là biểu hiện trầm cảm. Nếu xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ là trầm cảm, đừng chần chừ hãy đến bệnh viện chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Bạn có thể gọi cho BS chuyên khoa theo đường dây nóng 0988079038, để được tư vấn tâm lý từ xa miễn phí, được khám và điều trị kịp thời.

Trực tiếp tư vấn các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượunghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.