Trầm cảm (Depression), là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 – 25%. Trầm cảm có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào, phổ biến ở nữ giới hơn nam giới, có tỉ lệ cao ở những người ly thân, thất nghiệp. Dấu hiệu của bệnh trầm cảm đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, chán nản, giảm hoặc mất hứng thú trong mọi việc kể cả những hoạt động mà trước đây đã từng rất ưa thích. Trầm cảm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành xử, khiến người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn về thể chất, tinh thần và những vần đề trong cuộc sống.
Theo Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi, năm 1992, khi bệnh nhân có từ 5 trong số 9 triệu chứng sau và kéo dài ít nhất 2 tuần lễ thì được chẩn đoán là trầm cảm. Nhưng nếu bệnh nhân có ý tưởng và hành vi tự sát thì thời gian không cần đến 2 tuần.
1) Khí sắc giảm: Vẻ mặt buồn rầu, nét mặt của họ trở nên đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng.
2) Giảm hoặc mất sự quan tâm thích thú: Những thích thú trước đây của bệnh nhân bị giảm hoặc mất. Ví dụ trước bệnh nhân rất thích xem bóng đá, đi chợ mua sắm thì bây giờ họ không thích nữa.
3) Người mệt mỏi: Họ rất khó khăn để khởi động một công việc nào đó, dù những công việc nhỏ nhất. ví dụ buổi sáng ngủ dậy việc vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt đối với họ cũng trở nên nặng nhọc.
4) Giảm tính tự trọng và lòng tự tin: Người bệnh mất tự tin vào bản thân và họ cảm thấy thất bại trong cuộc sống.
5) Nhìn tương lai ảm đạm bi quan: Họ cảm thấy nảm lòng về tương lai và không có gì mong đợi ở tương lai cả. Con người sống được là họ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa, có tương lai. Nhưng với bệnh nhân trầm cảm tương lai họ là một mầu xám vì vậy họ hay tìm đến cái chết.
6) Giảm sự tập trung chú ý: Khó suy nghĩ, khó tập trung vào một việc nào đó, khó đưa ra những quyết định dù là những quyết định nhỏ nhất ví dụ đi chợ mua gì cho bữa tối… người bệnh cũng rất khó khăn để đưa ra quyết định. Ý tưởng bị tội và không xứng đáng. Người bệnh có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc. và họ đã trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội. họ còn phóng đại những sai lầm nhỏ trước đây. và họ luôn luôn tự trách bản thân mình.
7) Có ý tưởng và hành vi tự sát: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có những ý nghĩ về cái chết. Nặng hơn thì họ có ý định tự sát và hành vi tự sát. Họ nghĩ rằng bệnh mình nặng và họ bi quan về tương lai nên dễ tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình.
8) Rối loạn giấc ngủ: Đa số bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng mất ngủ. Bệnh nhân thường mất ngủ giữa giấc. nghĩa là tỉnh ngủ vào ban đêm và khó ngủ lại được. Mất ngủ là triệu chứng làm người bệnh suy sụp nhanh nhất và cũng là lý do để họ đi khám bệnh. Họ thấy đêm rất dài và những suy nghĩ miên man và những suy nghĩ tiêu cực thường xuất hiện trong những đêm dài trằn trọc… Hiếm gặp hơn có bệnh nhân trầm cảm thì lại ngủ nhiều, họ có thể ngủ từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, nhưng khi ngủ dậy họ thường rất uể oải, mệt mỏi.
9) Ăn uống không ngon miệng: Đa số bệnh nhân trầm cảm mất cảm giác ngon miệng, họ ăn rất ít. Nhiều bệnh nhân đến bữa ăn đối với họ là một gánh nặng, mặc dù đã rất cố gắng nhưng họ vẫn ăn được rất ít. Có khoảng 5% bệnh nhân trầm cảm lại tăng cảm giác ngon miệng, họ ăn nhiều hơn hàng ngày và tăng cân.
Theo DSM V, trầm cảm thường khởi phát lặng lẽ, mơ hồ, phần lớn các triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy theo từng người, từng giới tính, độ tuổi, không ai giống ai. Để chẩn đoán một người mắc bệnh trầm cảm thường căn cứ vào hệ thống phân loại bệnh DSM-V. Theo bảng phân loại này, chẩn đoán một người bị trầm cảm khi có ít nhất 5 trong 9 triệu chứng sau, kéo dài ít nhất hai tuần:
1) Tâm trạng buồn bã, chán nản gần như cả ngày: Có thể nhận biết chủ quan qua cảm giác buồn chán, trống rỗng hoặc nhận biết khách quan từ người khác (ví dụ như thấy người bệnh hay khóc…).
2) Giảm hứng thú hoặc niềm vui trong hầu như tất cả mọi hoạt động.
3)Giảm hay tăng cân một cách đáng kể mà không phụ thuộc vào chế độ ăn (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể) hoặc giảm hay tăng cảm giác thèm ăn so với mọi ngày.
4) Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
5) Quá kích động hoặc quá chậm chạp (nên được đánh giá bởi những người khác chứ không đơn thuần là cảm giác chủ quan).
6) Mệt mỏi hoặc cảm giác mất năng lượng.
7) Cảm giác vô dụng, tội lỗi quá mức hoặc ảo tưởng mỗi ngày.
8) Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, thiếu quyết đoán.
9) Suy nghĩ thường xuyên về cái chết, có ý định tự tử lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ngoài những triệu chứng kể trên có thể có sự khác biệt theo giới tính, độ tuổi. Trẻ em trầm cảm thường có biểu hiện buồn bã, khó chịu, thất vọng. Thanh thiếu niên thường có biểu hiện như lo lắng, hay cáu giận, ngại giao tiếp. Người trưởng thành thường biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, không hài lòng với mọi thứ, thích ngồi lỳ trong nhà. Thông thường nam giới bị trầm cảm không có sự đa sầu yếu đuối như phụ nữ mà ngược lại họ có thể trở nên bạo lực hơn.
Các triệu chứng khác cũng thường xuất hiện là rối loạn tâm thần vận động và giấc ngủ, cảm giác có tội, giảm lòng tự tin, ý tưởng và hành vi tự tử, rối loạn hệ tiêu hoá và hệ thần kinh tự động. Bệnh nhân cần nhận được sự quan tâm của gia đình, người thân và cả bác sĩ để hỗ trợ khắc phục tình trạng này, bởi lẽ, bệnh có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu không được điều trị. Nếu bạn đang trải qua bất cứ triệu chứng nào trên đây lâu hơn hai tuần nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bác sĩ tâm thần sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân để xác định xem các triệu chứng có phải là do bệnh lý liên quan đến thể chất hay tinh thần hoặc do bệnh tâm thần nghiêm trọng gây ra.
Trực tiếp tư vấn các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượu, nghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.