Chỉ có sự đánh giá tổng thể của bác sĩ tâm thần mới có thể chẩn đoán bạn có mắc trầm cảm hay không. Nhiều căn bệnh và loại thuốc có thể làm tinh thần bạn đi xuống. Vì thế, bác sĩ sẽ thực hiện nhiều bài kiểm tra khác nhau, kiểm tra bằng phương pháp thủ công và phỏng vấn để nắm bắt những triệu chứng cơ bản.
Để nhận biết chứng trầm cảm, bạn phải xác định những điều đang xảy ra với bạn có phải là triệu chứng của chứng trầm cảm. Mặc dù chứng trầm cảm biểu hiện khác nhau ở từng người nhưng có một vài dấu hiệu có thể chứng tỏ bạn mắc chứng bệnh này. Bạn có thể bị trầm cảm nếu:
• Bạn cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, cảm thấy bất lực hoặc tội lỗi mà không có lý do.
• Bạn cảm thấy thất vọng về hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống và không thể đưa ra điều gì giúp bạn thoát khỏi suy nghĩ ấy.
• Bạn cảm thấy thiếu năng lượng và mệt mỏi khi bạn làm bất cứ việc gì.
• Bạn cảm thấy thao thức, khó ngủ vào buổi tối và/hoặc khó thức dậy vào buổi sáng.
• Bạn không còn thấy thích thú khi tham gia hoạt động mà đã từng khiến bạn vui vẻ, như gặp gỡ bạn bè, theo đuổi sở thích hay dành thời gian riêng tư cho bản thân.
• Thói quen đi ngủ có sự thay đổi lớn, như việc mất ngủ, thức dậy vào sáng sớm hay ngủ quá nhiều.
• Bạn mất cảm giác ngon miệng hoặc ăn quá nhiều mà không thể dừng lại.
• Bạn thấy ở một mình dễ dàng hơn là cố gắng giao tiếp với người khác.
• Bạn liên tục nổi cáu mà không có lý do.
• Bạn nghĩ đến việc tự tử. Nếu bạn có suy nghĩ này, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ ngay lập tức.
Tìm hiểu nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm. Mặc dù y học chưa đưa ra một nguyên nhân chính xác khiến con người bị trầm cảm, các bác sĩ thường xem xét chứng bệnh này dựa trên các yếu tố về di truyền, sinh học, tâm lý và môi trường. Bác sĩ của bạn có thể đưa ra nguyên nhân bạn bị trầm cảm như dưới đây:
• Bạn nghiện ma túy hoặc rượu. Nếu bạn nghiện ma túy hoặc rượu, đó có thể là nguyên nhân khiến bạn trầm cảm. Bác sĩ có thể giúp kiểm tra liệu bạn có bị nghiện không và khuyên bạn nên làm gì sau đó.
• Nguyên nhân do di truyền. Nếu gia đình bạn có người mắc trầm cảm, nguy cơ mắc trầm cảm của bạn sẽ cao hơn. Bạn có thể thảo luận với mọi người để biết liệu có ai trong gia đình bị trầm cảm thậm chí chưa được chuẩn đoán; bạn cũng có thể nói chuyện với bố mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình để xem liệu có ai trong gia đình bị trầm cảm mà bạn không biết.
• Sự mất cân bằng hóc môn. Nếu bạn gặp vấn đề với tuyến giáp hoặc sự mất cân bằng một hóc môn nào đó, đó có thể là nguyên nhân của chứng trầm cảm.
• Một căn bệnh khác. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm tra liệu bạn có mắc bệnh nào đó mà có thể gây ra hoặc dự báo chứng trầm cảm ở bạn, như chứng rối loạn lo âu là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc thậm chí là rối loạn tinh thần như chứng Tâm thần phân liệt.
• Một tác dụng phụ của loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Nếu bạn đang uống thuốc để điều trị một căn bệnh nào đó, bác sĩ có thể cho rằng trầm cảm là một trong những tác dụng phụ của thuốc và có thể giới thiệu cho bạn một phương pháp khác có hiệu quả tương đương mà không có tác dụng phụ này.
• Sự thay đổi theo mùa. Một số người bị trầm cảm do sự thay đổi thời tiết theo mùa. Ví dụ, triệu chứng của bệnh có thể kéo dài suốt mùa đông hàng năm. Loại trầm cảm này được gọi là Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD).
Nguyên nhân do hoàn cảnh. Trước bài đánh giá tâm lý, bạn có thể suy nghĩ về nguyên nhân gốc rễ của chứng trầm cảm bằng cách nghĩ về những điều khiến bạn tổn thương trong cuộc sống hàng ngày. Đó là cơ hội tốt để bạn thấy rõ những điều đang xảy ra trong cuộc sống của mình và cách bạn phản ứng với những khó khăn, chúng có thể là những điều khiến bạn cảm thấy chán nản. Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể gây ra hoặc khiến chứng trầm cảm tồi tệ hơn:
• Mất một người bạn hoặc một người yêu quý. Đau buồn khi mất người mà bạn yêu quý là bình thường. Mặc dù vậy, hầu hết mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn sau một khoảng thời gian. Nếu bạn dường như không thể vượt qua sự đau buồn này sau nhiều tháng thì bạn có thể bị trầm cảm.
• Quan hệ tình cảm đổ vỡ hoặc không trọn vẹn. Nếu bạn chia tay hoặc có một quan hệ tình cảm khiến bạn đau khổ, việc đó có thể khiến bạn bị trầm cảm.
• Sự nghiệp không như ý. Nếu bạn cảm thấy rất buồn, ngột ngạt hoặc thậm chí là một người vô dụng trong công việc hiện tại hoặc sự nghiệp của bạn thì công việc có thể là một nhân tố dẫn tới chứng trầm cảm.
• Không được những người xung quanh yêu quý. Nếu bạn sống với hai người bạn cùng phòng phá phách và khó ưa hoặc cảm thấy không vui vẻ trong chính ngôi nhà hoặc ở quê hương của bạn thì môi trường sống có thể dẫn tới chứng trầm cảm ở bạn.
• Vấn đề tài chính. Lo lắng về khoản tiền thuê nhà sắp phải trả hay làm thế nào để tháng tới nhận được lương có thể là một nguyên nhân của chứng trầm cảm nếu bạn liên tục nghĩ về nó.
• Hội chứng "Baby blues" (Trạng thái khóc lóc và ủ rũ sau sinh). Nhiều phụ nữ thường khóc lóc rất nhiều, cảm thấy lo lắng và tâm trạng bất ổn sau khi sinh. Hội chứng này nếu nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng giống như vậy.
Nắm bắt các phương pháp điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn nhiều phương pháp điều trị trầm cảm. Tùy theo tình trạng bệnh, bạn có thể yêu cầu kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và điều trị tâm lý. Trong khi thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng thì việc người bệnh hiểu được căn bệnh của mình và có những biện pháp tích cực để đương đầu với căn bệnh cũng rất quan trọng. Nhìn chung khi bệnh còn nhẹ, người bệnh có thể được chữa khỏi bằng việc điều trị tâm lý và thay đổi lối sống.
• Điều trị bằng thuốc tỏ ra hiệu quả trong việc trị chứng trầm cảm, thuốc trị trầm cảm bao gồm các chất ức chế serotonin có chọn lọc (SSRIs), các chất ức chế serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc chống trầm cảm ba vòng và ức chế monoamine oxidase (MAOIs).
• Một trong những phương pháp điều trị tâm lý được nghiên cứu nhiều nhất là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Phương pháp này được chỉ định để phát hiện và thay đổi những suy nghĩ và cách ứng xử tiêu cực khiến triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Một số phương pháp điều trị hữu hiệu khác đối với chứng trầm cảm bao gồm liệu pháp tiếp nhận và cam kết (ACT), liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), liệu pháp tâm động học và liệu pháp quan hệ liên cá nhân.
• Một phương pháp khác áp dụng cho trường hợp trầm cảm nặng (hoặc trầm cảm kèm rối loạn tinh thần) là kích thích bộ não, phương pháp này được gọi là liệu pháp sốc điện. Nó thường được áp dụng trong trường hợp chữa trị bằng thuốc hoặc điều trị tâm lý tỏ ra không có hiệu quả.
Viết nhật ký. Viết nhật ký có thể giúp bạn nói ra nỗi phiền muộn và cảm nghĩ của mình, giúp bạn kiểm soát cảm xúc của bản thân từng ngày. Bạn có thể đặt mục tiêu viết nhật ký ít nhất một lần một ngày, ưu tiên viết vào buổi tối vì lúc đó bạn có thể tổng kết tất cả những gì xảy ra với bạn trong ngày. Nhật ký như một người bạn, lắng nghe suy nghĩ của bạn, giúp bạn cảm thấy đỡ cô độc hơn và nhận ra những gì khiến bạn vui vẻ cũng như những gì khiến bạn buồn lòng.
• Viết nhật ký cũng giúp bạn tập trung và giúp tâm trí bạn thoát khỏi những nhiệm vụ khiến bạn căng thẳng trong cuộc sống.
Trực tiếp tư vấn và điều trị nghiện rượu, nghiện heroin, trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần nội sinh hoặc do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu, hiện đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương - Điện thoại, Zalo, Facebook 0988 079 038